9 LỢI ÍCH SỨC KHỎE ĐẾN TỪ THỰC PHẨM LÚA MẠCH
- Lúa mạch giàu các chất dinh dưỡng thiết yếu
Lúa mạch là một loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật có lợi khác. Khi được tiêu thụ dưới dạng ngũ cốc nguyên hạt, lúa mạch là một nguồn cung cấp chất xơ, mangan, molipden và selen tuyệt vời. Ngoài ra, nó cũng chứa một lượng lớn đồng, vitamin B1, phốt pho, crom, magie và niacin. Bên cạnh đó, lúa mạch cũng chứa nhiều lignans, một nhóm chất chống oxy hóa có tác dụng làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư và các bệnh về tim mạch.
- Lúa mạch giúp giảm đói và giảm cân hiệu quả
Lúa mạch có thể làm giảm các cơn đói và thúc đẩy cảm giác nhanh no, từ đó giúp giảm cân hiệu quả. Sở dĩ, lúa mạch có khả năng giảm bớt phần lớn các cơn đói nhờ vào hàm lượng chất xơ hòa tan cao, được gọi là beta-glucan. Loại chất xơ này có xu hướng tạo thành một chất giống như gel trong ruột, làm chậm lại quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể, từ đó kiềm chế được cơn thèm ăn và thúc đẩy cảm giác nhanh no của bạn.
- Lúa mạch giúp cải thiện sức khỏe và hệ tiêu hóa
Hầu hết các chất xơ được tìm thấy trong lúa mạch đều thuộc loại chất xơ không hòa tan, giúp thức ăn di chuyển qua ruột một cách dễ dàng và làm giảm khả năng táo bón. Mặt khác, hàm lượng chất xơ hòa tan trong lúa mạch cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các lợi khuẩn đường ruột, từ đó tạo ra axit béo chuỗi ngắn (SCFA). Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, SCFA có khả năng nuôi dưỡng các tế bào ruột, đồng thời giảm viêm và cải thiện các triệu chứng rối loạn đường ruột, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
- Lúa mạch giúp ngăn ngừa sỏi mật và nguy cơ phẫu thuật túi mật
Hàm lượng chất xơ cao trong lúa mạch cũng có thể giúp ngăn ngừa hiệu quả sỏi mật. Trong hầu hết các trường hợp, sỏi mật không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, theo thời gian, các viên sỏi mật sẽ lớn dần lên và bị mắc kẹt trong ống túi mật, gây ra các cơn đau dữ dội. Khi xuất hiện triệu chứng nguy hiểm này, bệnh nhân bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Loại chất xơ không hòa tan có trong lúa mạch có tác dụng hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự hình thành của sỏi mật, từ đó làm giảm nguy cơ phẫu thuật túi mật
- Lúa mạch giúp giảm cholesterol
Các beta-glucans được tìm thấy trong lúa mạch đã được chứng minh là có khả năng làm giảm lượng cholesterol LDL (cholesterol xấu) bằng cách liên kết với axit mật. Cơ thể sẽ loại bỏ các axit mật thông qua đường phân. Sau đó, gan sẽ phải sử dụng nhiều cholesterol hơn để tạo ra các axit mật mới, từ đó làm giảm được lượng cholesterol lưu thông trong máu của bạn.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Thực tế, lúa mạch có khả năng ngăn ngừa một số yếu tố rủi ro nhất định, bao gồm giảm mức cholesterol xấu và giảm tình trạng cao huyết áp. Khi tiêu thụ trung bình 8,7 gam chất xơ hòa tan mỗi ngày có thể làm giảm mức huyết áp từ 0,3-1,6 mmHg.
- Ngăn ngừa tiểu đường
Bổ sung lúa mạch thường xuyên vào chế độ dinh dưỡng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách giảm lượng đường huyết trong máu và cải thiện chức năng bài tiết insulin. Điều này xuất phát một phần từ hàm lượng magie cao trong lúa mạch, đây là một loại khoáng chất đóng vai trò thiết yếu trong việc sản xuất insulin và sử dụng đường của cơ thể.
- Ngăn ngừa ung thu ruột kết
Việc thực hiện một chế độ ăn uống giàu ngũ cốc sẽ làm giảm khả năng mắc các căn bệnh mãn tính, bao gồm cả một số căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng.
Chất xơ hòa tan có tác dụng đặc biệt trong việc làm giảm thời gian tiêu hóa thực phẩm để làm sạch ruột, từ đó bảo vệ chống lại ung thư ruột kết. Ngoài ra, loại chất xơ này cũng có thể loại bỏ các chất độc hại trong ruột gây ung thư.
- Đa năng và dễ dàng kết hợp với chế độ ăn uống hàng ngày
Lúa mạch có giá thành khá rẻ và cực kỳ dễ kết hợp với chế độ ăn uống của bạn. Do hàm lượng chất xơ cao, loại thực phẩm này đã trở thành một sự thay thế tuyệt vời cho các loại ngũ cốc tinh chế.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thêm lúa mạch vào các món súp, món hầm, sa lát, bánh mì, hoặc ngũ cốc cho bữa sáng. Để tăng thêm sự độc đáo cho món ăn, bạn có thể thêm lúa mạch vào các món tráng miệng, chẳng hạn như bánh pudding lúa mạch hoặc kem lúa mạch.
Theo Vinmec International Hospital